Bé của mẹ đã bước sang tháng thứ 6 và cần phải ăn dặm? Mẹ lên mạng internet, đọc sách, hỏi bạn bè người thân...Vì có quá chi là nhiều phương pháp ăn dặm nào là ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm blw, ăn dặm truyền thống...
Và không biết nên cho bé tập ăn dặm bằng phương pháp nào?
Nếu mẹ đang phân vân không biết có nên cho bé thử ăn dặm bằng phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (blw) hay không thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Cụ thể ăn dặm blw là gì? Nó có những ưu điểm, nhược điểm gì với bé đây ta?
Bí quyết để áp dụng thành công phương pháp ăn dặm blw này là gì nhỉ? Và cần lưu ý gì thêm khi cho bé tập ăn bằng ăn dặm blw?
Tất cả đều sẽ được PinkSpoon gửi tới mẹ trong bài viết dưới đây đó ạ. Chúng ta cùng bắt đầu ngay thôi nào mẹ ơi!!!
Ăn dặm BLW - Bé của mẹ đã thực sự sẵn sàng?
Ăn dặm blw là gì?
Ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby led wearning) lần đầu tiên được giới thiệu vào khoảng 15 năm trước. Chủ yếu phổ biến ở các nước Châu Âu và Mỹ.
Khác với ăn dặm truyền thống thông thường, một khay thức ăn của trẻ ăn dặm bé tự chỉ huy bao giờ cũng đủ 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, vitamin, chất đạm theo tiêu chuẩn "vàng - đỏ - xanh". Những loại thực phẩm này được chế biến riêng biệt và không trộn lẫn.
Ở phương pháp này bé được tự ý quyết định những món mà mình sẽ ăn trước hay ăn sau, thích ăn hoặc không thích.... Điều đó đòi hỏi các bố mẹ phải tôn trọng quyết định và sở thích ăn uống của trẻ. Trẻ được tự do thể hiện, khám phá cũng như làm quen với việc ăn uống tự nhiên nhất.
Ăn dặm blw có phù hợp cho bé?
Ăn dặm là giai đoạn bé phải chuyển từ chế độ ăn lỏng (từ sữa mẹ và sữa công thức) sang chế độ ăn đặc hơn ( bột, cháo). Giúp bé bổ sung năng lượng, các chất dinh dưỡng cần thiết mà chỉ từ sữa không thể đáp ứng được.
Ăn dặm BLW khuyến khích việc giới thiệu các loại thực phẩm thông qua việc tự ăn. Cho phép bé tự quyết định món ăn và cách ăn. Mẹ có thể cho bắt đầu khi bé đạt đủ 180 ngày (6 tháng tuổi). Tuy nhiên, đối với 1 số trẻ như trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân... thời gian này có thể kéo dài hơn.
Trong 1 nghiên cứu trên 5616 trẻ từ 4 tháng tuổi tới 12 tháng tuổi tại Úc, các nước Châu Âu, New Zealand, Mỹ và Anh đã đưa ra kết quả tại Hội nghị cao cấp về dinh dưỡng trẻ nhỏ toàn Châu Âu. Các chuyên gia đã thống nhất và đưa ra nhận định rằng: KHÔNG PHẢI TẤT CẢ các bé đều phù hợp với ăn dặm blw. Tỉ lệ thành công thường gặp ở các bé:
- Các bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Các bé có sự phát triển rõ rệt của hệ vận động như: khả năng ngồi vững, kĩ năng cầm nắm tốt, hứng thú khi đưa đồ ăn vào miệng, vận động lên xuống cơ hàm của bé bình thường.
- Bé trai thích hợp với phương pháp này hơn bé gái.
- Các bé sinh thiếu tháng không khuyến khích áp dụng phương pháp này nếu bé chưa đạt được cân nặng của trẻ bình thường khi 6 tháng tuổi.
Vậy nếu bé của mẹ đã đáp ứng những yêu cầu trên. Chắc chắn ăn dặm blw sẽ rất phù hợp cho bé rồi. Nhưng để quyết định đúng hơn, mẹ cùng xem ưu và nhược điểm của phương pháp này như thế nào nhé.
Ăn dặm BLW và những lợi ích đối với bé
Ăn dặm blw là một phương pháp ăn dặm phổ biến giúp bé tự do khám phá thế giới đồ ăn mang tới nhiều lợi ích:
Giúp hình thành các thói quen, hành vi ăn uống lành mạnh
Trong một nghiên cứu vào năm 2013, người ta thấy rằng đối với những trẻ được cho ăn dặm bằng phương pháp BLW chúng thường xuyên phải tiếp xúc với cơn đói và có thể nhận ra cảm giác no tốt hơn so với những trẻ được ăn dặm bằng phương pháp truyền thống.
Từ đó giúp hình thành các thói quen chỉ ăn 1 lượng vừa phải khi đói và tới khi no sẽ dừng lại, giảm nguy cơ béo phì khi trưởng thành. Đồng thời, người ta cũng thấy rằng, các bé được tập ăn bằng ăn dặm blw cũng "ít thích" các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường và muối hơn.
Chống tăng cân quá mức cho bé
Các chuyên gia tin rằng khi bé được chủ động tiếp cận trực tiếp với thức ăn, tự tay đưa vào miệng theo tốc độ của mình, ngừng ăn khi cảm thấy no sẽ giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ tăng cân sau này.
Trong 1 nghiên cứu vào năm 2012 tại đại học Nottingham, Mỹ: có khoảng 1% trẻ ăn dặm blw được phân loại là béo phì so với nhóm ăn bổ sung bằng thìa là 11%. Tuy nhiên để có kết luận chính xác về nhận định này cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu tiếp theo.
Giúp trẻ rèn luyện được sự khéo léo
Ăn dặm blw cho phép bé tiếp cận và xử lý thức ăn, tăng khả năng nhận biết, phân biệt thức ăn qua vị giác, khứu giác và thị giác. Cha mẹ chỉ cần cung cấp cho bé những loại phù hợp trong bữa ăn gia đình hàng ngày.
Tạo sự gần gũi và thân thiết giữa bé với các thành viên trong gia đình
Thông thường các bé ăn dặm blw sẽ được ngồi ăn cùng bàn với cả gia đình. Giúp làm tăng tình cảm của bé với các thành viên.
Mặc khác, trẻ hay có tình bắt chước hành vi và thói quen của người lớn. Do vậy, trong các bữa ăn, các hành vi ứng xử, cách xử lý hay giao tiếp của mọi người trong gia đình đều có thể ảnh hưởng tới bé. Một bữa ăn lành mạnh và đúng nghĩa sẽ giúp trẻ học hỏi được nhiều điều.
Vậy liệu ăn dặm blw có nhược điểm gì không nhỉ? Mẹ cùng đọc phần tiếp theo của PinkSpoon dưới đây nhé
Nguy cơ tiềm ẩn cho bé khi áp dụng ăn dặm blw
Nguy cơ bị thiếu một số chất dinh dưỡng
Do trong giai đoạn đầu khi thực hiện ăn dặm blw lượng thực phẩm mà bé ăn vào thường rất ít, không cân đối các thành phần do đó bé của bạn có thể sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như: vitamin A, vitamin D, vitamin C, sắt...
Nguy cơ nghẹn hoặc sặc thức ăn
Nghẹn thức ăn gần như là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các mẹ và các chuyên gia y tế khi quyết định cho bé thực hành ăn dặm blw. Các mẹ có thể áp dụng một số tips nhỏ sau để giảm rủi ro nghẹn:
- Đảm bảo bé ngồi thẳng khi ăn, lý tưởng nhất là 90 độ và ngồi đối mặt với mẹ.
- Không để trẻ tự ngồi ăn 1 mình.
- Đảm bảo các thức ăn mẹ chuẩn bị cho bé có đủ độ mềm. Tốt nhất có thể nghiền được khi dùng ngón tay ấn vào, kích thước vừa đủ.
- Cắt thức ăn thành hình ngón tay để bé có thể dễ dàng cầm nắm và nhặt.
Giai đoạn đầu trẻ có thể bị thiếu cân
Cũng từ nguyên nhân là bé chưa ăn được nhiều khi mới áp dụng ăn dặm blw. Nên bé rất dễ bị giảm cân, không tăng cân. Với các bé trước đó đã bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân so với tuổi thường không được khuyến khích áp dụng chế độ ăn này.
Nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không đảm bảo vệ sinh
Ăn dặm blw cho phép bé tự khám phá đồ ăn bằng tay do đó bé rất dễ bị nhiễm khuẩn. Mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bàn ăn, dụng cụ nấu ăn như bát, thìa...
Thực hiện ăn dặm BLW đúng chuẩn
Thức ăn trong ăn dặm blw
Khi bé đạt đủ 6 tháng, cân nặng đạt chuẩn theo khuyến nghị, mẹ có thể áp dụng ăn dặm blw cho bé. Các loại thức ăn cần đầy đủ các nhóm protein - tinh bột - vitamin, sữa vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho bé.
Ngoài ra, mẹ cần lưu ý thêm:
- Các món ăn được chọn phù hợp với sở thích của trẻ nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng.
- Chọn những thức ăn theo độ tuổi của trẻ. Đảm bảo chúng phù hợp, có thể hấp thu được các chất dinh dưỡng.
- Kích thước, hình dạng của thức ăn được chế biến để cho trẻ dễ ăn. Có thể cắt sợi hay cắt hình que ngắn.
- Các thức ăn phù hợp với bé khi bắt đầu khởi động ăn dặm blw: Bơ, khoai tây, chuối, cam, thịt xay, trứng, bột yến mạch, cá hồi, cà rốt cắt nhỏ, bông cải xanh hấp...
- Uu tiên cho bé các loại thực phẩm giàu sắt như: thịt, trứng, cá, các loại rau lá màu xanh đậm.
Các thực phẩm cần tránh
Mật ong: Trong mật ong có thể chứa Clostridium botulinum là loại có thể gây ra ngộ độc thực phẩm rất nghiêm trọng. Bạn không nên cho bé ăn mật ong khi chưa đủ 12 tháng tuổi.
Trứng chưa chín: Trứng chưa nấu chín có nhiều khả năng nhiễm Salmonella, đây là loại vi khuẩn có thể gây hại rất lớn với đường tiêu hóa của bé.
Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng: những thứ này có thể chứa Listeria monogenes nguy hiểm với bé.
Sản phẩm tách béo: Chất béo là thành phần cần thiết cho trẻ dưới 6 tuổi để phát triển trí não. Trong những năm tháng đầu đời, bé cũng cần được cung cấp năng lượng dồi dào do đó mẹ cần chú ý bổ sung thêm chất béo cho bé.
Thực phẩm chứa nhiều đường, muối, các thực phẩm chế biến sẵn bảo quản nhiều, ít chất dinh dưỡng. Thận của trẻ nhỏ rất khó khăn để có thể xử lý được với 1 chế độ ăn nhiều muối. Các thực phẩm nhiều đường có thể là nguyên nhân gây hỏng men răng cho con bạn.
Ngoài ra khi áp dụng ăn dặm blw mẹ cũng cần chú ý hạn chế các loại thực phẩm sau:
- Các loại thực phẩm thô: hoa quả cứng, cà rốt sống, cần tây, thân cây bông cải xanh...
- Thực phẩm hình tròn hoặc hình đồng xu: Nho nguyên quả, cà chua bi, cherry, xúc xích tròn, kẹo cứng....
- Thực phẩm có độ dính cao: Bơ hạt dẻ, marshmallows...
Cách ăn khi áp dụng ăn dặm blw
- Tư thế: Có thể cho trẻ ngồi ăn trên đùi bố mẹ nhưng tốt nhất nên cho trẻ ngồi trên ghế tập ăn. Luyện cho bé quen tư thế ngồi thẳng lưng ngay từ những buổi đầu, mặt quay về phía bàn ăn.
- Hãy đảm bảo chắc chắn rằng bạn chỉ là người cung cấp thức ăn cho bé chứ không phải là người cho trẻ ăn. Hãy để trẻ làm quen và tự lập với việc ăn uống.
- Chọn thời điểm cho trẻ ăn phù hợp, lúc trẻ tỉnh táo, không mệt mỏi, không buồn ngủ, không quấy khóc.
- Không hối thúc trẻ khi ăn, không nói hay có những cử chỉ khiến bé bị rối chí khi xử lý thức ăn.
- Không cố đút, ép trẻ ăn những món mà trẻ không thích, ăn nhiều hơn so với lượng thức ăn mình mong muốn.
Ăn dặm blw thất bại???
Ăn dặm blw là phương pháp ăn dặm "kiểu Tây" tỉ lệ thành công của các mẹ ở Việt Nam thường không cao. Nếu bé có các biểu hiện sau mẹ có thể sẽ cần cân nhắc thay đổi phương pháp ăn dặm khác cho bé:
- Bé có xu hướng chơi với thức ăn hơn là ăn thức ăn trong 1 thời gian.
- Bé mất hứng thú với thức ăn sau 2 - 3 tuần đầu và có biểu hiện ném thức ăn.
- Bé có biểu hiện biếng ăn như: chỉ ngậm hay liếm thức ăn nhưng không ăn, chỉ nhìn thức ăn. Chỉ cầm thức ăn lên rồi bỏ xuống hoặc quay mặt đi khi mẹ gây chú ý về thức ăn.
- Bé dễ bị hóc hoặc chán ăn.
Kết luận
Ngày hôm nay chúng ta đã có thật nhiều góc nhìn mới về ăn dặm blw rồi đúng không nào các mẹ? Để kết thúc bài viết này hãy để PinkSpoon tóm tắt lại một số ý chính cho mẹ dễ nhớ nào:
- Chỉ áp dụng ăn dặm blw nếu bé nhà mẹ đã đủ 6 tháng tuổi, không sinh non, không bị nhẹ cân, các kĩ năng vận động phát triển bình thường.
- Áp dụng ăn dặm blw sẽ giúp bé hình thành được các thói quen tốt về ăn uống, tăng tính khéo léo, giảm dị ứng sau này.
- Một số "sự cố" có thể xảy ra: trẻ bị thiếu 1 số chất dinh dưỡng (vitamin A, D, C, Sắt), thời gian đầu bé có thể không tăng cân, dễ bị hóc. Mẹ hãy áp dụng các tips mà PinkSpoon đã mạch mẹ ở trên nhé.
- Tư thế ăn cho bé: tốt nhất nên ngồi trên ghế ăn dặm, ngồi thẳng. Mẹ không gây áp lực để bé tự ăn.
- Thức ăn: Đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, nên cắt thức ăn thành dạng hình sợi, que để bé dễ cầm nắm.
- Và cuối cùng nếu bé có 1 trong 4 biểu hiện từ chối ăn dặm blw như phần trên. Mẹ nên cân nhắc đổi phương pháp ăn dặm khác cho bé mẹ nhé.
Ngoài ra, nếu mẹ còn có bất cứ kinh nghiệm, mẹo nào giúp thực hiện ăn dặm blw thành công.
Hãy comment, inbox ngay cho PinkSpoon mẹ nhé. Hẹn gặp lại các mẹ trong những bài viết tiếp theo. Và đừng quên tiếp tục follow PinkSpoon để chúng ta cùng nhau chăm sóc bé tốt hơn nhé.