Trẻ biếng ăn phải làm sao? Có lẽ đây là câu hỏi mà bất cứ mẹ nào đã và đang chăm con nhỏ đều đã đặt ra ít nhất một lần. Bởi biếng ăn là một tình trạng rất dễ gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là các bé ăn dặm. Vậy cụ thể làm sao mới có thể giải quyết được câu hỏi đau đầu này cho các mẹ đây? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm lời giải ngay nhé!
Nhưng trước hết mẹ vẫn cần biết biếng ăn chính xác chúng là gì? Và có các biểu hiện như thế nào trước đã đúng không ạ?
Biếng ăn là gì?
Biếng ăn là từ thường dùng để mô tả tình trạng ăn không đủ cho nhu cầu sống, sinh hoạt và phát triển hàng ngày của một cá thể mà nguyên nhân là do sự từ chối thức ăn từ chính bản thân trẻ.
Biếng ăn thực chất không phải là một bệnh mà chỉ là một tình trạng. Việc bé từ chối thức ăn hàng ngày này có thể không gây ra các tổn thương hoặc các bệnh nội khoa. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Bé có thể bị biếng ăn vào bất cứ giai đoạn nào trong khoảng 3 năm đầu đời. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, các biểu hiện của biếng ăn có thể xuất hiện và gia tăng khi trẻ khoảng 18 tháng tuổi. Đây là khoảng thời gian chính mà các bé sẽ chuyển từ chế độ ăn dặm sang giai đoạn ăn cơm, tự ăn.
Hậu quả của biếng ăn
Một số hậu quả rất nghiêm trọng nếu tình trạng biếng ăn kéo dài có thể kể tới như:
- Bé chậm phát triển tâm thần vận động
- Con chậm phát triển hệ sinh dục, dậy thì muộn
- Biếng ăn và các rối loạn về ăn uống ở độ tuổi nhỏ thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Và là tiền đề của biếng ăn người lớn.
- Rối loạn nội tiết, chuyển hóa làm giảm tốc độ chuyển hóa của cơ thể. Có thể dẫn tới: hạ thân nhiệt, mất nước, rối loạn thăng bằng điện giải, tóc thưa mảnh, còi xương....Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến suy kiệt trầm trọng.
- Tử vong có thể xảy ra nếu bệnh ở thể nặng.
Việc phát hiện ra các triệu chứng sớm của biếng ăn để có hướng điều chỉnh sớm sẽ giúp bé sớm bắt kịp đà tăng trưởng.
7 Dấu hiệu của biếng ăn trẻ em mà mẹ cần phải biết
Nếu bé có một trong các dấu hiệu sau, có thể bé đã bị biếng ăn:
- Từ chối một hoặc nhiều loại thức ăn trong ít nhất 1 tháng
- Thời gian mỗi bữa ăn lớn hơn 30 phút
- Trẻ ăn thức ăn có mật độ kém hơn so với tuổi
- Giận dữ hoặc khóc khi phải ăn
- Dừng ăn sau khi ăn được một vài miếng
- Giảm cân, suy dinh dưỡng
- Không tập trung trong giờ ăn
Bé có ác cảm với thức ăn (SFA) có thể chỉ ăn một loại thực phẩm có mùi vị, nhiệt độ, độ đặc nhất định. Và thường không muốn thử, tập ăn thêm các loại thức ăn mới. Khi được dỗ dành để thử bé sẽ nhổ ra, bịt miệng, nôn tất cả mọi thứ... Đây cũng là một trong những dấu hiệu của biếng ăn
Mặc dù không chịu ăn thêm những thực phẩm mới nhưng khi được cho ăn những món ưa thích bé có thể ăn rất tốt, rất nhiều mà không hề có một chút khó khăn nào. Đây có thể là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn cho thừa cân - béo phì.
Để tìm ra lời giải cho bài toán trẻ biếng ăn phải làm sao thì chúng ta phải biết được các nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ sơ sinh
Nghiên cứu cho thấy các nguyên nhân gây nên biếng ăn (trừ biếng ăn bệnh lý) ở trẻ thường liên quan nhiều tới nhu cầu tình cảm và xung đột của cha mẹ.
Cụ thể là:
- Ngay cả khi còn nhỏ một số trẻ đã phát triển tính tự chủ. Bé muốn được tự lựa chọn món ăn và loại thức ăn mà mình sẽ ăn.
- Trẻ cố tình từ chối thức ăn để thu hút sự chú ý của mẹ với trẻ
- Các yếu tố như như: trầm cảm, rối loại ăn uống của mẹ cũng có thể gây ra chứng chán ăn ở trẻ sơ sinh. Các bà mẹ trầm cảm thường có xu hướng ít chú tâm và dành tình cảm cho con trong việc ăn uống. Tất cả điều này để gây hại cho tình cảm, cảm xúc của em bé là nguyên nhân của chứng biếng ăn.
- Trẻ lớn lên trong các gia đình có tiền sử mắc các bệnh rối loạn hành vi ăn uống hoặc chế độ chăm sóc không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhận làm tăng nguy cơ chán ăn cho trẻ.
Trong đó các biểu hiện về cảm xúc và hành vi của cha mẹ đối với việc cho bé ăn là nguyên nhân hàng đầu đằng sau chứng chán ăn cua trẻ.
Lời giải cho bài toán:Trẻ biếng ăn phải làm sao?
Điều trị chứng biếng ăn ở trẻ là điều cần thiết để ngăn ngừa sự thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ.
Có 3 phương pháp điều trị chính có thể giúp cải thiện chứng chán ăn ở trẻ bao gồm:
- Khuyến khích bé thể hiện các cảm xúc đói và no.
- Khuyến khích bé tập ăn thử các loại thực phẩm khác nhau.
- Mẹ nên chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau để kích thích vị giác của bé.
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ chán ăn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thức ăn cho bé phải phù hợp với độ tuổi và yêu cầu trong các giai đoạn phát triển của trẻ.
- Khuyến khích bé tự ăn
- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho bé
Trong trường hợp bác sĩ phát hiện ra có những sai lầm trong cách chăm sóc trẻ của bố mẹ một số biện pháp tâm lý có thể được đề xuất:
10 lời khuyên cho trẻ biếng ăn
- Hãy để trẻ cảm thấy đói
- Không gian cho bé ăn cần thoáng mát, sạch sẽ
- Khoảng cách giữa các bữa ít nhất là 2h/bữa (có thể để 3h - 4h/bữa theo chỉ định của bác sĩ)
- Có thể cho bé cầm nắm thức ăn để tự ăn.
- Cho bé ngồi ăn cùng bàn với gia đình khi có thể.
- Thời gian mỗi bữa ăn không nên kéo dài quá 30 phút. Ngay kể cả khi bé ăn không đủ.
- Khi bé ăn được 1 phần ăn nhất định mẹ nên khen trẻ để bé cảm thấy hứng thú với việc ăn uống hơn.
- Đảm bảo bé không bị mất tập trung bởi các phương tiện như: điện thoại, máy tính, sách, đồ chơi.... khi đang ăn.
- Không đưa ra những lời hứa hẹn như "nếu con ăn ăn được hết tô cháo này mẹ sẽ mua cho con đồ chơi"....
- Trong trường hợp bé thể hiện thái độ giận dữ, không hợp tác có thể mẹ thỉnh thoảng sẽ vẫn cần phải nghiêm khắc nói chuyện và giải thích với trẻ.