Khi nào mẹ có thể giới thiệu cho bé các loại thực phẩm mặn nhỉ? Khác với trái cây và rau, bé nhà mình có thể ăn một cách tự nhiên. Thì đối với các loại thực phẩm chứa protein bé cần phải có thời gian để làm quen đó mẹ ạ.
Thịt gà là loại thịt lành tính, an toàn với trẻ. Mẹ có thể cho trẻ ăn thịt gà trong những giai đoạn đầu tiên của quá trình ăn dặm. Chúng cũng có thể dễ dàng chế biến thành nhiều dạng khác nhau, ngay cả là dạng hình ngón tay khi bé sử dụng trong phương pháp ăn dặm blw.
Mẹ hãy cũng PinkSpoon khám phá thử xem trong thành phần của thịt gà có những chất nào? Lợi ích khi cho bé ăn thịt gà là gì? Và cùng PinkSpoon xem ngoài cháo thịt gà cho bé ra mẹ có thể chế biến món nào khác từ thịt gà để bé không bị nhàm chán lại tiết kiệm thời gian nhất cho mẹ mẹ nhé.
Cháo thịt gà cho bé - Thời điểm nào là thích hợp?
Bé của bạn có thể bắt đầu tập ăn thịt gà ngay từ tháng thứ 6 - chúng cũng là một trong những loại thực phẩm bạn có thể cho bé dùng khi vừa tập ăn dặm. Do đó, với các món cháo thịt gà cho bé mẹ hoàn toàn cũng có thể cho bé tập ăn ngay trong tháng thứ 6.
Mẹ nên bắt đầu cho bé làm quen với 2 phần thịt gà nghiền mỗi ngày sau đó tăng dần lượng tùy vào khả năng và sở thích của trẻ.
Nếu mẹ cho bé ăn cháo theo phương pháp ăn dặm truyền thống. Mẹ cần cho bé bắt đầu dùng thịt gà vào khoảng giữa tháng thứ 7 bằng cháo 10%.
Lợi ích của thịt gà đối với bé
Thịt gà là một loại thực phẩm rất tốt đối với bé nhờ vào các giá trị dinh dưỡng đa dạng trong đó. Một số tác dụng này có thể kể tới như:
Giúp phát triển cơ
Trong 100g thịt gà chứa tới 18.6g protein. Protein là thành phần thiết yếu cho sự phát triển của trẻ từ khi các tế bào cơ được hình thành.
Protein từ thịt gà có khả năng hấp thu tốt hơn nguồn protein trong thực vật. Đồng thời, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như thịt gà cũng làm tăng cảm giác ngon miệng cho món ăn.
Cải thiện tuần hoàn máu
Thịt gà có chứa nhiều sắt - thành phần cần thiết cho sự trưởng thành của tế bào hồng cầu. Ngoài ra nó cũng rất giàu kali giúp bảo vệ hệ mạch máu của bé phát triển bình thường.
Tốt cho xương
Trong 100g thịt gà có chứa 15mg canxi và 182mg phospho giúp cho bé cao lớn khỏe mạnh. Đồng thời nó cũng chứa rất nhiều các vi chất dinh dưỡng khác có vai trò trong việc phát triển xương của bé.
Giúp trẻ phát triển trí não
Thịt gà là thực phẩm giàu vitamin đặc biệt trong đó là vitamin C và vitamin A. Nó cũng chứa nhiều vitamin B12 có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển trí não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tăng cường hệ miễn dịch của bé
Thịt gà có chứa nhiều chất khoáng vi lượng như kẽm, magie... Chúng đều là các thành phần quan trọng giúp hình thành và duy trì sức khỏe của hệ miễn dịch.
Để mẹ hiểu rõ hơn về tác dụng của thịt gà mình hãy cùng ghé thăm phần "giá trị dinh dưỡng của thịt gà" ở ngay dưới đây ạ.
Giá trị dinh dưỡng có trong 100g thịt gà
Các giá trị dinh dưỡng chính của phần ức gà đã được tóm tắt trong ảnh dưới đây:
Ngoài ra, theo Bộ lương thực thực phẩm Hoa Kỳ, giá trị đầy đủ của thịt gà mẹ có thể xem ở bảng sau:
Năng lượng | 215 Kcal | Vitamin C | 1.6mg |
Protein | 18.6g | Vitamin B1 | 0.06mg |
Chất béo | 15.06g | Vitamin B2 | 0.12mg |
Canxi | 15mg | Vitamin B3 | 6.801 |
Sắt | 0.9mg | Vitamin B6 | 0.35mg |
Magie | 20mg | Vitamin B12 | 0.31mcg |
Photpho | 147mg | Vitamin A | 41mcg |
Kali | 189mg | Vitamin D | 0.2mcg |
Natri | 70mg | Vitamin E | 0.3mg |
Kẽm | 1.31mg | Vitamin K | 1.5mcg |
Nguồn: Bộ lương thực thực phẩm Mỹ
Cách lựa chọn và bảo quản thịt gà cho bé
Cách lựa chọn thịt gà cho bé
Mẹ hãy chọn cho bé các loại thịt gà tươi, tại các cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông thường các loại thịt trong đó có cả thịt gà đều có nguy cơ bị nhiễm các loại vi khuẩn nguy hiểm.
Do đó, mẹ tuyệt đối không nên mua thịt gà từ các cửa hàng đông lạnh mẹ nhé. Chúng có thể chứa rất nhiều mầm bệnh cho bé.
Nếu có thể chọn mua thịt gà organic sẽ rất an toàn với bé. Chúng thường không chứa các yếu tố gây bệnh và các hormone tồn đọng từ các loại thức ăn chăn nuôi.
Không chọn các loại gà đã được chế biến sẵn, thịt gà đóng gói. Bởi chúng thường chứa rất nhiều muối, chất bảo quản ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ.
Cách bảo quản thịt gà
Mẹ chỉ nên mua đủ lượng thịt gà để nấu cho bé. Tối đa có thể mua để cho bé sử dụng trong khoảng từ 5 - 7 ngày. Nhưng tốt nhất mẹ nên chuẩn bị thực phẩm theo ngày cho bé. Vì việc bảo quản thịt gà trong ngăn đá tủ lạnh cũng rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
5 cách biến hóa món cháo gà cho bé không còn nhàm chán
Mẹ hãy theo dõi tới cuối bài viết để tìm ra được cách chế biến thịt gà phù hợp nhất cho bé nhà mình nhé.
1 - Thịt gà nghiền cho bé mới ăn dặm
Đây là công thức vô cùng quen thuộc nếu mẹ muốn cho bé bắt đầu sủ dụng thịt gà. Cách làm chúng cũng vô cùng đơn giản.
Độ tuổi lý tưởng cho món ăn này sẽ là các bé 6 tháng tuổi và đang trong thời gian đầu tập ăn dặm.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
2 chén gà đã lọc bỏ xương và băm nhỏ
3 - 4 ly nước
Cách làm
Bước 1: Mẹ cho gà vào nồi nước đun sôi hoặc nồi áp suất và nấu cho tới khi gà mềm.
Bước 2: Để phần gà nguội rồi cho chúng vào máy xay với nước. Mẹ có thể thay đổi lượng nước để phù hợp với độ tuổi của bé.
2 - Cháo thịt gà nấm rơm cho bé
Không phải chỉ trứng, chỉ sữa, chỉ tôm mới giàu canxi đâu mẹ ạ. Nấm cũng là một trong những nàng thực vật được xếp trong "top" các loại thực phẩm giàu canxi đó ạ. Món cháo thịt gà nấm rơm chắc chắn sẽ là lựa chọn nếu mẹ đang muốn tăng chiều cao cho bé.
Độ tuổi thích hợp cho bé dùng: trên 7 tháng
Nguyên liệu mẹ cần chuẩn bị
- Gạo tẻ xay nhuyễn (20g, tương đương 2 thìa canh)
- Thịt gà nạc xay nhuyễn: 30g
- Nấm rơm: 20g
- Dầu ăn (2 thìa cà phê): 10ml
- Nước (250ml)
Cách làm
Bước 1: Thịt gà mua về mẹ đem rửa sạch. Lọc và bỏ toàn bộ xương (nếu có). Nấm rơm ngâm nước trước 20 - 30 phút rồi với ra rửa sạch xay nhuyễn. Đổ gạo và nước vào nồi, đun cho sôi.
Bước 2: Hòa (trộn) nấm và thịt gà đã được xay nhuyễn vào một bát nước. Sau đó, bạn đổ bát nấm, thịt gà này vào nồi cháo đang sôi và chờ cho cháo sôi lại trong vài phút.
Bước 3: Sau khi đổ cháo ra bát, trộn dầu ăn vào. Bạn có thể nêm vào bát cháo của bé một chút muối (hoặc một chút mắm, tránh để cháo bị mặn). Sau đó, bạn có thể cho bé thưởng thức.
Lưu ý: Khi sơ chế, bạn nên ngâm nấm với nước muối pha loãng trong vòng 5-10 phút. Sau đó, rửa nấm thật sạch trước khi tiến hành xay nhuyễn nấm.
3 - Cháo thịt gà khoai lang cho bé ăn dặm
Khoai lang rất giàu vitamin và thịt gà cũng vậy. Phối hợp 2 loại thực phẩm này cùng với nhau sẽ biến chúng trở thành 1 loại vitamin tổng hợp cực kì tuyệt vời cho bé đó mẹ ạ.
Ngoài ra, trong thành phần của khoai lang còn rất giàu chất xơ, tốt với hệ tiêu hóa non nớt của bé.
Món ăn này mẹ có thể cho bé dùng khi bé được 6 tháng tuổi.
Nguyên liệu chuẩn bị
- Gạo tẻ: 25g
- 2 phần khoai lang thái nhỏ: 20g
- 2 thìa thịt gà băm nhuyễn: 30g
- Dầu ăn: 10ml
- Nước vừa đủ
Cách làm
Bước 1: Đầu tiên khi mua các nguyên liệu về mẹ mang đi sơ chế sạch. Sau đó, đối với thịt gà mẹ thái nhỏ, băm nhuyễn và xào với 1 muỗng cà phê dầu ăn. Phần khoai lang mang đi luộc (hấp) và nghiền nát cho bé.
Bước 2: Cho gạo tẻ và nước vào nồi để nấu cháo cho bé.
Bước 3: Tới khi cháo chín, cho hỗn hợp thịt gà và khoai lang vào nồi đun 5-10 phút thì tắt bếp cho ra tô trộn đều với 1/2 muỗng canh dầu ô liu là có thể cho bé thưởng thức rồi nhé!
Ngoài ra, mẹ có thể thay thế khoai lang bằng 1 số thực phẩm khác:
Thịt gà và khoai tây nghiền: Thay thế khoai lang bằng khoai tây cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho bé đó mẹ ạ. Khoai lang và khoai tây nên được giới thiệu cho bé từ 6 tháng trở lên.
Thịt gà và củ cải: Củ cải đường rất giàu khoáng chất, đặc biệt thành phần carbohydrate trong củ cải là dạng isomalutose. Một loại đường hấp thu chậm thường được dùng trong các sản phẩm dành cho người tiểu đường.
Thịt gà và đậu Hà Lan xay nhuyễn: Đậu Hà Lan có hương vị tuyệt vời khi kết hợp cùng thịt gà trong các món ăn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho bé dùng đậu Hà Lan khi bé được 10 tháng tuổi. Để hạn chế tình trạng đầy bụng của trẻ.
4 - Thịt gà và đậu lăng xay nhuyễn
Đậu lăng và thịt gà đều là những nguyên liệu giàu protein, món cháo gà đậu lăng chắc chắn sẽ giúp mẹ của mẹ cao lớn và phát triển toàn diện nhất.
Độ tuổi lý tưởng: trên 10 tháng
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Ức gà (nên chọn ức gà vì phần này thịt mềm và nhiều dưỡng chất dinh dưỡng cho bé).
- Đậu lăng đỏ
- Cần tây
- Cà rốt
- Dầu oliu
Cách làm
Sơ chế nguyên liệu
- Cần tây rửa sạch cắt khúc vừa ăn của người lớn.
- Cà rốt rửa sạch, nạo vỏ, thái hạt lựu.
- Đậu lăng đỏ ngâm trong nước để qua đêm.
- Thịt gà rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
Chế biến:
Bước 1:
Lấy chảo, đun nóng dầu trong chảo trên lửa vừa, sau đó cho tỏi tây vào xào trong khoảng 5 phút hoặc xào cho đến khi mềm. Thêm cà rốt, thịt gà, đậu lăng và nước nấu cho tới khi gà và rau quả mềm.
Bước 2
Tiếp đến bạn cho nguyên liệu vào máy xay, xay nhuyễn hỗn hợp trên, có thể thêm nước nếu cần thiết để tạo độ đặc, loãng của cháo cần thiết.
Khi cho bé ăn bạn cho cháo vào nồi đun sôi lại khoảng 1-2 phút, tắt bếp rồi cho thêm một chút dầu oliu vào cho bé ăn cùng. Vậy là bạn đã hoàn thành món cháo đậu lăng đỏ thơm ngon bổ dưỡng cho bé ăn dặm.
5 - Thịt gà băm hình ngón tay cho bé
Thịt gà băm có thể là một thực phẩm chế biến dạng ngón tay tuyệt vời cho bé ăn dặm. Trên thực tế thịt gà băm nhỏ được khuyến cáo là thực phẩm ngón tay đầu tiên nên cho bé dùng theo Hội nhi khoa Mỹ
Độ tuổi lý tưởng: 9 tháng trở lên
Nguyên liệu
3 chén gà đã lọc bỏ xương
1 phần nước
Cách làm
Bước 1: Mẹ có thể mua gà đã băm sẵn tại các siêu thị hoặc tự băm tại nhà. Thường thì mẹ nên chọn cách thứ 2. Dù nó hơi mất thời gian nhưng lại an toàn hơn cho bé rất nhiều.
Bước 2: Sau khi làm sạch mẹ cho thịt gà vào luộc hoặc cho vào nồi áp suất. Tới khi thịt gà chín, mẹ gỡ thịt gà băm nhỏ hoặc có thể cắt theo hình dài như ngón tay (hình con chì) để bé có thể cầm được dễ dàng.
6 - Thịt gà hầm cho bé
Thịt gà cho trẻ sơ sinh cũng giống như món gà hầm cho chúng ta thường ngày. Tuy nhiên phương pháp chế biến của chúng sẽ cần 1 chút điều chỉnh cho phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhé.
Độ tuổi lý tưởng: 12 tháng trở lên
Nguyên liệu
- Bí đỏ (bí ngô) non: 1 quả
- Đùi gà: 1 cái
- Đậu trắng (hoặc đậu Hà Lan): 100gr
- Tỏi, gừng, hành tím
- Gia vị: muối, đường, tiêu, xì dầu, dầu mè
Cách làm
Đầu tiên cần tạo hình cho bí đỏ sao cho hấp dẫn, bỏ hạt. Gà rửa sạch, thái miếng, để cùng đậu trắng (nếu muốn nhanh bạn có thể luộc qua thịt gà và đậu trắng)
Ướp thịt gà với muối, đường, tiêu, xì dầu và dầu mè và chờ khoảng 30 – 60 phút cho ngấm, sau đó đổ hỗn hợp vào bí đỏ, thêm tỏi (đã bóc vỏ) và gừng thái sợi lên bề mặt. Sau đó đem hầm hoặc hấp hơi cho đến khi chín.
Giờ thì bạn có thể cho bé thưởng thức được rồi.
Bé của mẹ có thể dị ứng thịt gà?
Mặc dù thịt gà là thực phẩm lành tính. Nhưng một số bé có hệ miễn dịch và tiêu hóa nhạy cảm vẫn có thể bị dị ứng với chúng. Tuy nhiên, khả năng dị ứng có thể được giảm xuống khi mẹ chế biến thịt gà chín và an toàn cho trẻ.
Mẹ có thể sẽ cần phải cảnh giác với dị ứng thịt gà nếu bé có các dấu hiệu sau:
- Mặt và cổ họng bị sưng: Sau ăn mặt bé có thể bị sưng lên đặc biệt là ở phần quanh mí mắt, mũi và cổ họng. Trong trường hợp dị ứng nặng bé có thể không mở được mắt hoặc có thể khó thở.
- Đau bụng: Bé có thể sẽ đau quặn bụng và có thể kèm theo tiêu chảy và nôn mửa.
- Nổi mề đay ở da hoặc phát ban: Các nốt mụn đỏ nhỏ li ti xuất hiện trên khắp cơ thể, ngứa.
- Mệt mỏi: trẻ sẽ không chịu chơi, cơ thể mệt mỏi khó chịu.
Nếu mẹ phát hiện bất kì triệu chứng nào như trên sau khi ăn hãy đưa bé tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị ngay mẹ nhé.
Thịt gà là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng mẹ cũng cần chắc chắn mẹ đã cho bé ăn đúng độ tuổi. Đừng cho bé ăn quá nhiều để tránh trường hợp bé bị chán ăn và khó hấp thu các chất. Lý tưởng nhất nên cho trẻ ăn từ 2- 3 lần/tuần.
Lời kết
Mẹ đã thử công thức nấu món nào từ thịt gà cho bé? Hãy chia sẻ ngay những khoảnh khắc tuyệt vời này của gia đình mình bằng cách để lại 1 bình luận dưới đây mẹ nhé.
PinkSpoon chúc mẹ và bé sẽ thành công trong kế hoạch ăn dặm của mình ạ.
Hẹn gặp lại mẹ trong các bài viết tiếp theo của PinkSpoon