Ngày này cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Mọi kiến thức chỉ còn cách chúng ta 1 chiếc click chuột.
Ngay cả về việc ăn dặm của bé cũng vậy. Mẹ có thể dễ dàng tìm đọc và trang bị cho mình rất nhiều kiến thức liên quan tới nó.
Trong những bài đọc trước mẹ và PinkSpoon đã cùng nhau khám phá về ăn dặm blw, ăn dặm kiểu Nhật rồi. Mẹ còn thấy thiếu gì nữa không ạ?
Vâng, và để hoàn thiện cho seri ăn dặm, lần này PinkSpoon sẽ giới thiệu tới mẹ một phương pháp mà bất cứ mẹ nào cũng phải biết. Đó chính là ăn dặm truyền thống đó ạ.
Nói là truyền thống nhưng thực sự nó không hề kém cạnh các loại phương pháp hiện đại kia đâu mẹ nhé. Không thể chờ lâu hơn nữa, chúng ta bắt đâu ngay thôi nào. Let's go !!!
Ăn dặm truyền thống là gì?
Ăn dặm truyền thống là phương pháp ăn dặm theo cách đút thìa. Bé sẽ được ăn các thức ăn nghiền nhuyễn, các loại thực phẩm được nấu và trộn chung chúng với nhau ngay từ lần đầu tiên (bột). Trong quá trình ăn dặm trẻ sẽ được tăng dần độ đặc cũng như độ thô của thức ăn. Từ bột sang cháo và cuối giai đoạn này bé có thể ăn được cơm.
Điểm khác biệt của phương pháp này đó là: Bé sẽ được ăn với số lượng lớn ngay từ lần đầu tiên ăn dặm. Thay vì tập làm quen từng chút một như trong các phương pháp ăn dặm khác
Ưu điểm
Một số ưu điểm của ăn dặm truyền thống đó là:
- Bé ăn được số lượng lớn ngay từ đầu, bé sẽ tăng cân tốt hơn.
- Vì đây là phương pháp ăn dặm truyền thống nên mẹ dễ nhận được sự ủng hộ của gia đình.
- Tốn ít chi phí hơn, các món ăn dặm được chế biến đơn giản hơn.
Nhược điểm
Tuy vậy phương pháp ăn dặm truyền thống vẫn còn có một số nhược điểm:
- Bé được ăn thức ăn xay nhuyễn trong suốt quá trình nên khả năng ăn thô kém.
- Khi cho bé ăn khi phải thường xuyên dỗ bé ăn.
- Do thức ăn thường trộn lẫn với nhau do đó trẻ không nhận biết được từng vị của thực phẩm. Điều này dễ dẫn tới tình trạng biếng ăn, chán ăn.
- Thường xuyên phải ép bé ăn dễ dẫn tới rối loạn tiêu hóa, bé bị khó tiêu, đầy bụng.
Vậy thì thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm truyền thống là khi nào nhỉ? Có thể cho bé ăn sau 6 tháng tuổi được không? Mẹ cùng theo dõi phần tiếp theo của bài viết để tìm câu trả lời ạ.
Thời điểm cho bé bắt đầu ăn dặm truyền thống
Khi bé tròn 6 tháng tuổi tốc độ tăng trưởng sẽ tăng lên rất nhiều đòi hỏi mẹ phải cung cấp thêm cho bé một nguồn dinh dưỡng dồi dào, đầy đủ các chất để có thể phát triển toàn diện. Không những vậy, trong giai đoạn này, chất lượng của sữa mẹ cũng bị giảm sút đáng kể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: có sự chệch lệch lớn giữa nhu cầu của trẻ so với khả năng cung cấp từ sữa mẹ về năng lượng, protein, vitamin A, sắt... khi trẻ bắt đầu đủ 6 tháng tuổi.
Trẻ càng lớn thì sự thiếu hụt này càng lớn. Vì vậy đối với đa số trẻ, sau 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất cho trẻ bắt đầu ăn bổ sung giúp trẻ phát triển tốt, hoạt động tốt và khỏe mạnh.
Ăn dặm truyền thống có thể cho trẻ ăn muộn hơn (sau 270 ngày)?
Ngay cả khi ăn dặm truyền thống cho phép mẹ được cho bé ăn với số lượng nhiều ngay từ đầu mẹ vẫn cần cho bé ăn dặm khi được 6 tháng. Bởi nếu ăn dặm quá muộn trẻ sẽ phải đối mặt với các nguy cơ:
- Trẻ không nhận được các thức ăn thêm để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.
- Trẻ không nhận đủ các chất dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng và thiếu vi chất như: còi xương do thiếu canxi, thiếu máu do thiếu sắt.
Vậy nếu mẹ lo lắng bé bị thiếu dinh dưỡng nên đề phòng cho trẻ ăn dặm sớm có tốt không ta?
Ăn dặm truyền thống trước 4 tháng có an toàn?
Theo các chuyên gia và các nghiên cứu đã chứng minh thì chúng ta không nên cho trẻ ăn dặm sớm đâu mẹ ạ. Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng) có nhiều nhược điểm đó:
- Làm cho trẻ ít bú sữa mẹ, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của trẻ
- Tăng nguy cơ mắc một số bệnh vì thiếu các yếu tố bảo vệ bé có trong sữa mẹ.
- Tăng nguy cơ bị mắc tiêu chảy do thức ăn bổ sung không sạch, không tiêu hóa dễ như sữa mẹ.
- Tăng nguy cơ dị ứng vì trẻ chưa thể tiêu hóa được một số chất có trong thức ăn.
- Tăng nguy cơ mang thia của bà mẹ nếu không cho con bú hoàn toàn.
Ăn dặm truyền thống và các nguyên tắc cho trẻ
Khi cho bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm truyền thống mẹ cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Cho trẻ ăn từ lỏng tới đặc (thời gian tập cho ăn bột loãng chỉ từ 2 - 3 ngày, sau đó cho ăn đặc). Từ ít tới nhiều, tập cho trẻ ăn dần với thức ăn mới.
- Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị cho trẻ.
- Chế biến thức ăn hỗn hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn có sẵn ở địa phương.
- Bát bột, bát cháo cho trẻ ngoài bột, cháo ra cần có thêm nhiều loại thực phẩm khác. Chúng sẽ tạo nên màu sắc thơm ngon, hấp dẫn và đủ chất.
- Khi chế biến, đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt.
- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, chế biến thực phẩm cho trẻ để tránh gây rối loạn tiêu hóa. Rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.
- Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn. Chúng chứa nhiều chất ngọt làm tăng đường huyết, gây ức chế tiết dịch vị làm trẻ chán ăn, trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa ăn.
- Khi cho trẻ ăn cần kiên nhẫn, khuyến khích động viên để trẻ ăn tốt hơn.
Ăn dặm truyền thống bé cần ăn bao nhiêu? Số bữa ăn như thế nào?
Bắt đầu từ 6 tháng tuổi: sữa mẹ không còn đáp ứng đủ cho sự phát triển toàn vẹn của trẻ nữa. Vì vậy, cho trẻ ăn bổ sung là rất cần thiết.
Khi bắt đầu ăn bổ sung, hệ tiêu hóa của trẻ cần phải có thời gian để thích nghi với thức ăn. Nên mẹ hãy tập ăn cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn lượng tăng dần, lúc đầu 2 - 3 thìa nhỏ/lần và 2 lần/ngày rồi sau đó tăng dần lên mẹ nhé.
Cụ thể:
Ăn dặm truyền thống cho trẻ 6 - 8 tháng
Năng lượng chính của bé vẫn tới từ sữa mẹ là chính. Mẹ có thể tập cho trẻ ăn từ bột loãng (bột 5%) trong vòng vài ngày sau đó tăng dần lên 2 bữa bột mỗi ngày và nấu đặc dần.
Từ tháng 7, mẹ có thể cho trẻ ăn thêm các loại quả chín như: chuối, hồng, đu đủ, cam, chanh, bưởi, xoài, để cung cấp vitamin và chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Ăn dặm truyền thống cho trẻ 9 - 11 tháng
Ở giai đoạn này, bé vẫn bú mẹ là chính. Nhưng mẹ cần cho trẻ tăng nhiều bữa hơn: 2 - 3 bữa bột đặc mỗi ngày + quả nghiền. Điều quan trọng là bà mẹ cần làm cho bát bột của trẻ có đủ tối thiểu 5/8 nhóm thức ăn: ngoài gạo ra còn có trứng hoặc thịt hoặc cá hoặc tôm hoặc cua, rau và nhất là dầu hoặc mỡ.
Ăn dặm truyền thống cho trẻ 1 - 2 tuổi
Khi bé đạt 1 - 2 tuổi thì ngoài sữa mẹ, trẻ sẽ cần ăn thêm 3 - 4 bữa/ngày.
Để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ, bên cạnh bữa ăn chính, mẹ cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ. Dù vậy, không nên nhầm lẫn giữa bữa ăn phụ với các đồ ăn vặt cho trẻ ăn kẹo, khoai tây chiên hoặc các sản phẩm chế biến sẵn mẹ nhé.
Bữa ăn phụ tối cần đảm bảo cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng như: sữa chua, các sản phẩm của sữa, bánh mỳ, bánh qui, trái cây, bánh đậu xanh, khoai tây...
Những trường hợp trẻ chỉ ăn dược bột loãng hoặc trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, sau ốm... cần tăng đậm độ năng lượng trong bữa ăn đặm của trẻ bằng cách nấu đặc hơn, thêm bột sữa, dầu mỡ vào bữa ăn cho trẻ.
Ăn dặm truyền thống bé cần những thực phẩm nào?
Mỗi nhóm thức ăn có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Tuy vậy, một nhóm thức ăn đơn độc hoặc bất kỳ một thức ăn nào, dù được gọi là tốt hay quý, cũng không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Do đó, cần đa dạng thực phẩm cho trẻ. Mẹ còn nhớ ở phần trước PinkSpoon đã nói rằng: trong 1 bát cháo của trẻ cần ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm không ạ? Phần này mình sẽ biết 8 nhóm thực phẩm đó là gì mẹ nhé.
Nhóm 1: Nhóm lương thực
Là nhóm thức ăn cung cấp năng lượng chủ yếu trong khẩu phần ăn. Thực phẩm thuộc nhóm này gồm gạo, ngô, khoai, sắn... được chế biến dưới dạng bột để sử dụng cho trẻ.
Nhóm 2: Nhóm đậu, lạc, vừng và các sản phẩm chế biến
Các loại đậu, lạc vừng có nhiều chất đạm. Đậu xanh, đậu đen có thể dùng nấu trộn với gạo nếp, gạo tẻ. Đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến nhiều loại thức ăn như sữa đậu nành, đậu phụ, tương... vừa giàu đạm lại có nhiều acid béo không no cần thiết cho trẻ phát triển trí não.
Nhóm 3: Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa là thức ăn có giá trị cao. Sữa mẹ là thức ăn quý, bổ và phù hợp nhất với trẻ. Từ tháng thứ 6, bắt đầu cho trẻ ăn dặm, nếu mẹ mất sữa hoặc quá ít sữa mẹ, có thể bổ sung một phần sữa động vật như sữa bò, sữa trâu, sữa dê....
Nhóm 4: Nhóm trứng và các sản phẩm
Trứng là thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Đặc biệt trứng giàu cholesterol cần thiết cho sự phát triển não. Mỗi tuần bé có thể ăn trung bình 2 - 3 quả.
Nhóm 5: Nhóm thịt các loại, cá và hải sản
Thịt các loại là thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Chúng cũng chứa nhiều acid amin quý ở tỷ lệ cân đối. Đặc biệt thịt có nhiều sắt dễ hấp thu. Các loại thịt: lợn, bò, gà, chim... mẹ đều cho trẻ ăn được. Không nhất thiết phải cho bé ăn toàn bộ là thịt nạc, mà nên sử dụng cả nạc lẫn mỡ sẽ tốt hơn đó mẹ ạ.
Cá và hải sản: đây là loại thức ăn dễ tiêu hóa, có giá trị dinh dưỡng cao. Chúng có nhiều axit amin và acid béo không no quý rất tốt cho bé trong giai đoạn này.
Nhóm 6: Nhóm củ quả có màu sẫm và màu da cam, màu đỏ hoặc rau tươi có màu xanh thẫm
Chúng là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng phong phú. Các loại rau có màu xanh đậm như: rau ngót, rau muống, rau dền, mồng tơi, rau cải... đều chứa nhiều vitamin C và các chất như tiền vitamin A, sắt giúp trẻ phòng khô mắt và thiếu máu.
Nhóm 7: Nhóm rau, rễ, củ khác, quả chín và rau gia vị
Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng rất phong phú.
Các loại trái cây: đu đủ, xoài, chuối, cam, quýt, hồng xiêm.... chứa nhiều vi chất khi ăn lại không bị hao hụt do không phải nấu nướng.
Các loại rau gia vị, giàu vitamin, chất khoáng, hương liệu kích thích ăn ngon miệng: rau mùi, rau húng, thìa là, hành hoa... Ngoài ra có các củ gia vị như: hành, tỏi, gừng, nghệ... cho thêm màu sắc, hương vị phong phú cũng như các vi chất chất dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ.
Nhóm 8: Nhóm dầu/mỡ và bơ
Gồm dầu, mỡ, bơ....Dầu và mỡ bổ sung năng lượng cho bữa ăn của trẻ. Chúng còn làm cho thức ăn mềm hơn và dễ nuốt. Ngoài mỡ động vật nên cho trẻ ăn dầu vừng, dầu đậu nành.... dầu dễ hấp thu hơn mỡ. Cho trẻ ăn dầu mỡ ngoài việc tăng năng lượng của khẩu phần còn giúp trẻ dễ hấp các loại vitamin tan trong dầu như: vitamin A, D, E, K....
Một số sai lầm hay gặp khi cho trẻ ăn bổ sung
Mặc dù là phương pháp ăn dặm truyền thống nhưng mẹ vẫn có thể mắc một số sai sót nhỏ. PinkSpoon đã thống kê được 1 số quan điểm sai lầm, mẹ có thể tham khảo dưới đây.
Sử dụng thực phẩm giàu chất đạm không đúng
Sai lầm chủ yếu là cho trẻ ăn dưới dạng nước thịt sợ trẻ hóc, nước hầm xương... Không biết sử dụng nguồn chất đạm dồi dào khác. Ngoài thịt, cá, không cho trẻ ăn trứng sợ trẻ đầy bụng. Không cho ăn tôm, cua sợ trẻ ho và ỉa chảy. Không biết dùng các loại đậu đỗ, lạc, vừng là nguồn đạm thực vật, tuy giá rẻ nhưng cũng rất tốt.
Ít sử dụng dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ
Có một số mẹ khi nấu cháo không cho thêm mỡ, dầu ăn vì cho rằng dầu mỡ khó tiêu hóa gây ỉa chảy. Nhưng nó lại là thành phần vô cùng cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này. Lipid có thể chiếm tới 70% năng lượng của khẩu phần.
Không cho trẻ ăn các loại rau xanh
Thường các bà mẹ chỉ dùng nước rau luộc, ngay cả các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ lấy nước ninh để quấy bột cho trẻ. Một số bà mẹ quan niệm sai lầm cho rằng trẻ không ăn được rau và ăn rau dễ rối loạn tiêu hóa.
Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi chưa có răng
Các bà mẹ cho rằng ăn cơm sớm trẻ sẽ cứng cáp, nhanh biết đi. Thực tế, nếu cho trẻ ăn cơm quá sơm, trẻ chỉ nuốt chửng với rau luộc nước canh. Vì vậy bộ máy tiêu hóa phải làm việc quá sức. Khi ăn cơm thường là ăn chung với gia đình, trẻ ít sẽ được quan tâm. Nên bữa ăn của trẻ không được đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.
Kết luận
Vậy là ngày hôm nay mình đã cùng nhau tìm hiểu được thêm thật nhiều thông tin hữu ích về ăn dặm truyền thống rồi đúng không các mẹ?
Trước khi kết thúc bài viết. PinkSpoon sẽ giúp mẹ tổng kết lại những ý chính về ăn dặm truyền thống mẹ nhé.
Gồm có:
#1 Cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi sẽ giúp trẻ phát triển và khỏe mạnh. Sau khi cai sữa mẹ nên tiếp tục cho bé uống sữa và ăn các chế phẩm từ sữa đến lúc trưởng thành.
#2 Bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn bổ sung từ 6 tháng tuổi giúp trẻ phát triển tốt.
#3 Trẻ đang lớn mỗi ngày cần 3 bữa chính và các bữa phụ: cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm. Lượng thức ăn tăng dần theo tuổi của trẻ.
#4 Bột cháo đặc tức là khi nguội mà nghiêng thìa bột cháo không bị chảy thành giọt mà chỉ biến đổi hình dạng. Loại này sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn.
#5 Các thực phẩm nguồn gốc động vật rất tốt cho trẻ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và năng động.
#6 Bên cạnh thức ăn từ động vật nên cho trẻ ăn cả đậu, đỗ, rau đậu, lạc và các loại hạt đều là thức ăn tốt cho trẻ.
Ngoài ra, trong quá trình cho bé ăn dặm truyền thống nếu có bất cứ thắc mắc nào. Mẹ hãy inbox, comment ngay cho PinkSpoon biết và giải quyết giúp mẹ.
Và đừng quên follow PinkSpoon để cùng có thêm thật nhiều kiến thức bổ ích nữa mẹ nhé.
Chúc mẹ thành công !!!!!