Bé yêu của mẹ đang bị ốm? Mẹ không biết liệu có phải bé đang bị cảm lạnh hay không? Triệu chứng để xác định bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh là gì? Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh cho uống thuốc gì? Cách chăm sóc bé ra sao? Mẹ cùng Pinkspoon tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Cảm lạnh là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh
Cảm lạnh hay còn gọi là bệnh viêm đường hô hấp trên do nhiễm virus thuộc chủng Rhinovirus và Enterovirus gây ra. Bệnh có thể gặp ở tất cả các đối tượng, thường vào khoảng thời gian giao mùa. Cảm lạnh không quá nguy hiểm, ít có biến chứng nặng, có thể tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày.
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ cao mắc cảm lạnh. Nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp tiến triển thành viêm phổi, viêm thanh quản…. rất nguy hiểm.
Triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh
Để xác định xem bé có đang bị cảm lạnh không mẹ có thể căn cứ vào các triệu chứng của con. Một số triệu chứng để phát hiện bệnh gồm có:
- Chảy nước mũi. Đây là dịch tiết từ niêm mạc xoang mũi bài tiết ra. Trong những ngày đầu dịch sẽ có màu trắng trong, loãng. Sau đó, đặc dần chuyển màu vàng, xanh (dấu hiệu của sự nhiễm khuẩn). Nếu không được vệ sinh mũi đúng cách trẻ sẽ rất dễ bị ngạt mũi.
- Ho: là triệu chứng tiếp theo khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh. Ho nhiều vào buổi tối.
- Sốt: thường sốt cao, kéo dài
Ngoài ra, trẻ có thể có một số triệu chứng như: ngủ không ngon giấc, quấy khóc vào ban đêm, bú ít, bỏ bú…
Mẹ cần phân biệt các triệu chứng của cảm lạnh với cảm cúm để có hướng xử lý phù hợp. Các thông tin về bệnh cảm cúm ở trẻ sơ sinh mẹ có thể tìm hiểu thêm Tại Đây
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh phải làm sao?
Dựa vào những triệu chứng ở phần trên nếu mà đã chắc chắn con bị cảm lạnh thì hãy lưu ngay nhưng cách dưới đây để giúp con nhanh khỏe hơn mẹ nhé!
Nếu bé không có các triệu chứng cảm nặng mẹ hoàn toàn có thể để bé ở nhà và theo dõi. Các phương pháp chăm sóc trẻ ở nhà chủ yếu nhằm mục đích giảm triệu chứng, giúp con cảm thấy dễ chịu và hồi phục nhanh hơn.
Nên
- Bổ sung đủ nước và chất khoáng cho bé: Trong đó bao gồm cả sữa mẹ và sữa công thức. Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi mẹ có thể cho con uống thêm nước khoáng, nước trái cây giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho con.
- Vệ sinh, hút sạch dịch tiết ở mũi của bé bằng dung dịch nước muối sinh lý và bầu hút chuyên dụng.
- Có thể sử dụng các loại máy làm ẩm, lọc không khí để làm sạch và nâng cao độ ẩm không khí xung quanh.
Không nên
Dưới đây là một số điều tuyệt đối mẹ không nên làm khi con bị cảm lạnh:
- Không tự tiện dùng kháng sinh cho trẻ. Vì cảm lạnh là do bé bị nhiễm virus mà virus thì không bị tiêu diệt bởi kháng sinh. Việc tự ý dùng kháng sinh có thể làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột, tăng nguy cơ kháng kháng sinh rất nguy hiểm.
- Các thuốc hạ sốt không kê theo đơn như Tylenol Cold và Flu cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Đối với các bé dưới 1 tuổi khi dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để sử dụng liều lượng một cách hợp lý.
- Không tự ý mua thuốc giảm ho sử dụng cho bé dưới 2 tuổi.
- Không để trẻ nằm ở tư thế nằm sấp khi ngủ ngay cả khi trẻ bị ngạt mũi.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Sốt là một trong những phản ứng của cơ thể trẻ sơ sinh chống lại cảm lạnh. Tuy nhiên, sốt từ 38,5 độ C trở lên ở những trẻ sơ sinh từ 2 đến 3 tháng tuổi là dấu hiệu cảnh báo nhu cầu được chăm sóc y tế.
Những trẻ lớn hơn bị cảm lạnh với biểu hiện sốt cao trên 39 độ nên được đưa đi khám tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, nếu sốt cao kéo dài trên 5 ngày, bố mẹ cũng cần đưa trẻ đến khám bất kể trẻ ở lứa tuổi nào.
Một số dấu hiệu và triệu chứng khác cảnh báo bệnh đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng bố mẹ cần để ý gồm:
- Nổi ban đỏ trên da
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Ho dai dẳng, khạc đờm nhiều. Đờm đặc có màu xanh hoặc có máu trong đờm.
- Khó thở, thở khó khè
- Dấu hiệu rút lõm lồng ngực
- Sốt cao kéo dài từ 5 – 7 ngày.
- Gãi tai hoặc các dấu hiệu khác gợi ý tình trạng khó chịu hoặc đau ở các vùng trên cơ thể.
- Các dấu hiệu gợi ý tình trạng mất nước tiểu như tiểu ít, vô niệu…
- Bú kém hoặc bỏ bú
- Tím tái các đầu ngón tay, môi
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường kể trên mẹ hãy đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời mẹ nhé.
Lời kết
Hiện nay, không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào dành riêng cho bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh. Đa phần các trường hợp trẻ sẽ tự hồi phục dần theo thời gian. Điều tốt nhất mà bố mẹ hoặc người chăm sóc có thể làm là hỗ trợ cho trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi nhìn chung rất dễ gặp các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiêm phòng đủ, đúng liều cho con. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đưa trẻ tới đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.