Mẹ đang chuẩn bị cho bé yêu ăn dặm và không biết nên cho bé ăn dặm theo phương pháp nào? Mẹ thấy phương pháp nào cũng hay cũng có cái lợi riêng. Nhưng đâu mới là phương pháp phù hợp nhất với bé? Cùng xem các chuyên gia của Pinkspoon phân tích và chọn cho bé một phương pháp ăn dặm phù hợp nhất mẹ nhé !
Hiện nay, ở Việt Nam chủ yếu các mẹ thường cho bé ăn dặm theo 3 phương pháp:
- Ăn dặm truyền thống
- Ăn dặm kiểu Nhật
- Ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning)
Để mẹ chọn được phương pháp ăn dặm phù hợp với bé nhất thì trước tiên mình phải hiểu về chúng và các ưu, nhược điểm của từng phương pháp này là gì đúng không ạ?
Mời mẹ đọc ngay phần dưới đây.
Ăn dặm truyền thống là gì?
Theo khuyến nghị của Unicef dành cho trẻ ăn dặm:
Sau 6 tháng, bé cần được bổ sung các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ để có thể đáp ứng được nhu cầu.
Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối theo độ tuổi của con trong vòng 2 năm đầu đời là cực kì quan trọng. Để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh trẻ cần được cung cấp năng lượng từ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như: thịt, cá, ngũ cốc, trứng, hoa quả và rau bên cạnh đó là sữa mẹ.
Trẻ nhỏ không thể ăn cùng một lúc quá nhiều trong 1 bữa. Nhưng năng lượng nạp vào hàng ngày và quá trình phát triển cơ thể cần nhiều hơn. Vì vậy, việc cung cấp một chế độ ăn đầy đủ trong suốt quá trình phát triển của con là rất cần thiết.
Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, chế độ ăn của bé cần được cung cấp các loại thực phẩm tươi sạch giàu năng lượng và giàu dinh dưỡng. Thức ăn nghiền (cháo) đầy đủ rau, thịt, trứng, cá, dầu mỡ có thể thêm vào chế độ ăn hàng ngày của con.
Ưu điểm
Một số ưu điểm vượt trội của phương pháp ăn dặm truyền thống mẹ có thể nhận được:
- Bé được ăn với số lượng lớn ngay từ đầu nên bé sẽ tăng cân tốt hơn.
- Trẻ được nhận một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối các thành phần: chất bột đường, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất theo đúng độ tuổi.
- Vì đây là phương pháp ăn dặm truyền thống nên mẹ dễ nhận được sự ủng hộ của gia đình.
- Tốn ít chi phí, các món ăn dặm được chế biến một cách đơn giản, quen thuộc.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm:
- Trong suốt quá trình đầu tập ăn dặm bé đều ăn các loại thực phẩm băm hoặc xay nhuyễn do đó khả năng ăn thô sẽ kém hơn các phương pháp khác.
- Do thức ăn thường trộn lẫn với nhau khi cho bé ăn. Nên bé khó cảm nhận được mùi vị của từng loại. Dễ dẫn tới biếng ăn, chán ăn đồng thời cũng khó kiểm soát nguy cơ dị ứng cho trẻ.
- Thướng xuyên phải ép bé ăn dễ dẫn tới rối loạn tiêu hóa, bé bị khó tiêu, đầy bụng.
Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy
Ăn dặm bé tự chỉ huy hay còn gọi là phương pháp ăn dặm Baby led weaning cho phép bé tự quyết định thời điểm và cách thức bắt đầu ăn dặm. Phương pháp ăn dặm này giúp phát triển kĩ năng nhai của bé rất tốt. Đồng thời kĩ năng cầm tay thuận và phối hợp tay - mắt cũng sẽ được phát triển.
Cách cho bé ăn dặm BLW
- Bé ngồi với cả gia đình khi đến giờ ăn và gia nhập khi bé sẵn sàng.
- Bé được khuyến khích khám phá thức ăn ngay khi cảm thấy thích thú, bằng cách cầm tay - ban đầu, dù bé có ăn hay không cũng không quan trọng.
- Thức ăn được xắt thành miếng có kích thước và hình dạng phù hợp cho bé dễ cầm nắm, thay vì món ăn sền sệt hoặc tán nhuyễn.
- Bé tự ăn ngay từ đầu, thay vì được người khác đút thìa.
- Bé tùy ý quyết định lượng thức ăn, bé nhanh chóng mở rộng các loại thức ăn mà bé ưa thích.
- Bé tiếp tục bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa bột) mỗi khi bé muốn và bé tự quyết định thời điểm giảm các cữ bú.
Ưu điểm
Ăn dặm bé tự chỉ huy giúp bé hình thành các thói quen ăn uống tốt ngay từ khi còn nhỏ. Điều này sẽ là nền tảng giúp bảo vệ sức khở của trẻ và phòng ngừa bệnh tật khi trưởng thành.
Bé được ăn dặm theo phương pháp blw có thể tự cảm nhận được các cảm giác no và đói tốt hơn so với các phương pháp ăn đổ thìa. Đồng thời các kĩ năng ăn thô, phối hợp động tác, sự khéo léo của bé cũng tốt hơn.
Nhược điểm
Những trẻ ăn dặm theo phương pháp blw có xu hướng ăn mặn và ngọt hơn so với các bé ăn dặm truyền thống đổ thìa. Bởi bé được làm quen với bữa ăn gia đình, các món ăn có trong gia đình hàng ngày từ sớm như: bánh mì, phô mai, xúc xích... các thực phẩm này thông thường đều chứa muối.
Bé có nguy cơ cao bị thiếu sắt. Do lượng thực phẩm thịt, cá ăn vào rất ít (chủ yếu là bé chỉ mút mà không thể ăn được toàn bộ thịt).
Ngoài ra, các bé khi áp dụng phương pháp ăn dặm này cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng nhẹ cân. Thiếu vitamin D, Vitamin A... do lượng chất béo trong khẩu phần ăn không đảm bảo.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật tôn trọng hương vị nguyên bản của từng loại thực phẩm. Các loại thức ăn của trẻ sẽ được để riêng rẽ, không trộn lẫn với nhau. Việc này giúp trẻ cảm nhận hương vị nguyên bản của từng loại thực phẩm, phát triển vị giác, từ đó kích thích trẻ thèm ăn.
Ngoài ra, thức ăn theo chế độ ăn dặm kiểu Nhật cũng thô hơn vì người Nhật cho rằng như thế sẽ kích thích trẻ nhai, sau đó mới nuốt. Do đó, trẻ sẽ cảm nhận được vị ngon của thức ăn. Việc trẻ phải nhai thức ăn cũng giúp tiết ra dịch vị khiến bé cảm thấy ngon miệng hơn.
Đặc biệt khác hẳn với cách nuôi con của nhiều mẹ Việt. Các mẹ ở Nhật khi cho con ăn dặm tuyệt đối không ép con ăn. Vì người Nhật cho rằng nếu ép con ăn sẽ khiến bữa ăn trở thành nỗi ám ảnh. Từ đó, các bé sẽ càng sợ ăn hơn nữa.
Ưu điểm
- Bé của mẹ sẽ có khả năng ăn thức ăn thô sớm hơn.
- Bé làm quen tốt với mùi vị từng loại thực phẩm, không có tâm lý chán ăn.
- Tốt cho thận của bé. Do protein sử dụng trong ăn dặm kiểu Nhật chủ yếu là protein từ cá và đậu. Chúng cũng được giới thiệu tới trẻ muộn hơn.
- Tạo cho bé tâm lý thoải mái khi ăn. Giống như phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng khuyến khích khả năng tự ăn của bé. Bé cũng được làm quen dần tự lượng ít tới nhiều theo từng lứa tuổi.
- Tạo thói quen ngồi ăn giúp bé ăn được nhiều hơn, nhanh hơn và tập trung hơn. Đồng thời nâng cao kỹ năng tự lập cho bé.
- Bé học được kỹ năng nhai và nuốt, điều này có tể giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Nhược điểm
Một số nhược điểm của phương pháp này đó là:
- Mẹ phải rất kiên trì. Mất nhiều thời gian và công sức để dạy bé ngồi, tập cho bé cầm thìa...
- Mẹ tốn nhiều thời gian để chế biến riêng biệt từng loại thức ăn trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật.
- Đối với 1 số trẻ, việc cắt bớt lượng sữa trong khẩu phần sẽ khiến trẻ nguy cơ suy dinh dưỡng.
Nên cho bé ăn dặm theo phương pháp nào?
Vậy là mẹ đã biết hết về các ưu, nhược điểm của các phương pháp ăn dặm rồi đúng không ạ?
Đa phần các bé đều có thể áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống. Bởi chúng cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất: Chất bột đường, chất đạm, vitamin chất khoáng và đặc biệt là chất béo ở tỉ lệ cân đối và đúng nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể áp dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Như kết hợp ăn dặm truyền thống cùng các loại thực phẩm "Finger food" của ăn dặm bé tự chỉ huy. Như vậy mẹ vừa giúp bé ăn uống cân đối các chất vừa đảm bảo bé có thể ăn thô tốt.
Cho bé ăn dặm thực sự là một hành trình giúp bạn ấy khám phá thể giới thông qua các loại thực phẩm tự nhiên hàng ngày. Đây cũng là một trải nghiệm đầu tiên của các bạn nhỏ. Vì vậy, mẹ đừng quá căng thẳng, đừng tự tạo áp lực cho cả mẹ và bé.
Pinkspoon hy vọng kết thúc bài viết này mẹ đã có thể lựa chọn được phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho bé. Và đừng để ăn dặm trở thành một cuộc chiến !!!!